Tứ đại danh tác – 4 tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc
Giữa kho tàng văn học đồ sộ của Trung Quốc, 4 tác phẩm nào có sức hút và giá trị nhân văn đến mức được tôn làm “Tứ đại danh tác” Trung Hoa. Cùng Nguyên Khôi HSK khám phá nhé!
Tứ đại danh tác hay tứ đại kỳ thư đều là những mỹ từ để nói về 4 tác phẩm văn học đồ sộ, kinh điển của Trung Quốc. Không đơn thuần chỉ mang đậm giá trị nghệ thuật văn học, Tứ đại danh tác còn là pho tàng chứa đựng rất nhiều đạo lý, triết lý nhân sinh.
Nếu bạn học tiếng Trung Quốc hay đơn thuần chỉ là người yêu mến nền văn hóa Trung Quốc thì đừng quên tìm đọc 4 tác phẩm văn học kinh điển sau đây.
1. TAM QUỐC DIỄN NGHĨA – LA QUÁN TRUNG
Nhắc đến Tứ đại danh tác Trung Quốc chắc chắn trong đầu nhiều người sẽ tự động bật thốt cái tên Tam Quốc Diễn Nghĩa. Bởi lẽ những nhân vật của La Quán Trung đã thực sự sống, thực sự tồn tại như một bản thể ngay cả khi họ đã mất đi. Những Tào Tháo, Lưu Bị, Trương Phi,… như hiển hiện trong cuộc sống thường nhật của tất cả mọi người qua các câu ví von “đa nghi như Tào Tháo”, “nóng như Trương Phi”,… Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng sở hữu số lượng bản dịch và tầm phổ biến rộng khắp.
Tam Quốc Diễn Nghĩa tên đầy đủ là “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa”. Đây là tiểu thuyết lịch sử chương hồi nổi tiếng của Trung Quốc do nhà văn La Quán Trung chắp bút. Bản Tam Quốc lưu truyền rộng rãi nhất ngày nay là bản do Mao Tôn Cương tu sắc và bình chú.
Có thể nói, Tam Quốc Diễn Nghĩa chính là pho sử thi sống động tái hiện lại gần một trăm năm lịch sử Trung Quốc cổ đại từ thời Đông Hán cho đến những năm đầu của triều đại Tây Tấn một cách bao quát và toàn diện.
Xét riêng về khía cạnh nghệ thuật, Tam Quốc là mẫu mực của thể loại tiểu thuyết lịch sử chương hồi Trung Quốc. Với bạn đọc thế giới, Tam Quốc đã xây dựng được nhiều nhân vật điển hình có tính cách điển hình như:Tào Tháo gian hùng, Lưu Bị nhân từ, Quan Công trượng nghĩa, Trương Phi nóng nảy…
Tuy có một số hạn chế nhưng Tam Quốc vẫn là tác phẩm kinh điển như lời nhận xét của chính Mao Tôn Cương: “Tam Quốc phảng phất Sử Ký của Tư Mã Thiên nhưng chuyện Tam Quốc khó kể gấp mấy Sử Ký. Sử Ký được chia ra các phần nói riêng về từng nước. Nhân vật cũng được tả riêng. Cho nên có những bản kỷ, thế gia, liệt truyện riêng biệt. Tam Quốc thì không thế. Phải hợp các bản kỷ, thế gia, liệt truyện lại, rồi viết thành một truyện chung. Chia từng phần thì văn ngắn mà dễ khéo. Hợp lại một thì văn dài mà khó… Cho nên đọc Tam Quốc thú hơn… từ đầu đến cuối mạch lạc liên tục, gay cấn hấp dẫn.”
2. THỦY HỬ – THI NẠI AM
Sánh đôi cùng Tam Quốc Diễn Nghĩa trong “Tứ đại danh tác” là Thủy Hử (nghĩa đen là “bến nước”). Đây là pho tiểu thuyết được ưa thích và lưu truyền rộng rãi trong lịch sử, khắc họa thành công hình tượng những anh hùng hảo hán võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, xả thân vì nghĩa.
Cùng nói về những vị anh hùng, những nhà chính trị kiệt xuất nhưng Thủy Hử lại đi sâu miêu tả sự hình thành và những chiến tích của cuộc khởi nghĩa nông dân chống triều đình nhà Tống, do Tống Giang lãnh đạo.
Nhiều người cho rằng, Thủy Hử hay vì đã phản ánh chân thực và sinh động hiện trạng trong xã hội phong kiến muôn đời: “quan bức thì dân phản”, chế độ thối nát thì sẽ tạo ra những “anh hùng thời loạn”. 108 Anh hùng Lương Sơn Bạc chính là những anh hùng như thế.
Không chỉ xây dựng những nhân vật điển hình với nét tính cách điển hình, cốt truyện hấp dẫn khiến người nghe mê đắm mà Thủy Hử còn hấp dẫn người đọc bởi kể chuyện gần gũi như truyện kể dân gian.
Xin mượn lời giáo sư Lương Duy Thứ nhận xét về Thủy Hử: “…Văn chương của Thủy Hử không “dệt gấm thêu hoa” như Tây Sương ký, không “nhả ngọc phun châu” như Hồng Lâu Mộng, mà là “nhạc trỗi chuông ngân”, hùng hồn, dồn dập… Tác phẩm Thủy Hử giữ được tính sống động của nhân vật trong ngôn ngữ, gần gũi với đời sống hằng ngày, trong lối hành văn ít trang sức tô điểm.”
Ở nước ta, bản dịch Thủy Hử của Á Nam Trần Tuấn Khải được nhiều người yêu thích bởi văn phong hàn lâm, trau chuốt. Á Nam Trần Tuấn Khải đã dịch từ bản Thủy Hử gồm 70 hồi chính truyện, 140 câu đề mục do Kim Thánh Thán – một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh soạn lại.
3. TÂY DU KÝ – NGÔ THỪA ÂN
Cái tên thứ 3 trong danh sách Tứ đại danh tác chính là tác phẩm kinh điển, nhẵn mặt với hầu hết người dân Việt Nam – Tây du ký.
Nhiều học giả cho rằng, Tây du ký là đỉnh cao sáng tạo trong lịch sử phát triển về tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc. Lý giải người ta đưa ra là vì Tây du ký đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thần thoại cổ đại Trung Quốc, đã thể hiện sức sáng tạo vĩ đại và sức tưởng tượng phong phú của đất nước, con người và văn hóa Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Tây du ký còn phản ánh đầy đủ, khúc chiết, phức tạp lý tưởng cao quý và đời sống hiện thực của nhân dân. Là sự châm biếm sâu cay về sự suy yếu của chính quyền Trung Hoa thời đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận khác cho rằng hình ảnh kết hợp của thầy trò Tam Tạng lại ẩn giấu một khái niệm quan trọng về tâm. Ví như, ngựa Bạch Long tượng trưng cho xác thân cương kiện; Sa Tăng cho tính chăm chỉ, thật thà; Trư Bát Giới đại diện cho bản năng, dục vọng của mỗi cá nhân; Ngộ Không là biểu trưng của trí; Đường Tăng dại diện cho nhân ái, bao dung,…
Chính những xảo diệu về mặt nghệ thuật và nội dung được Ngô Thừa Ân phô bày trong Tây du ký đã khiến cho tác phẩm trở thành 1 trong những tác phẩm kinh điển nhất trong kho tàng văn học Trung Hoa.
4. HỒNG LÂU MỘNG – TÀO TUYẾT CẦN
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, Hồng lâu mộng có một vị trí đặc biệt. Bởi lẽ, “Hồng lâu mộng là cả một thế giới”.
Hồng lâu mộng là một trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc với hơn 100 triệu bản được xuất bản. Tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.
Vậy Hồng lâu mộng có gì mà khiến người ta ca ngợi nhiều đến vậy? Hồng lâu mộng phải chăng chỉ đơn thuần là câu chuyện tình duyên trắc trở giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc?
Các học giả cho rằng, Hồng lâu mộng chứa đựng nhiều hơn thế. Hồng lâu mộng là sự thể hiện những tư tưởng của thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán những giáo điều truyền thống đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương, giải phóng cá tính,đòi tự do bình đẳng, khát khao một lý tưởng cho cuộc sống,….
Thông qua cuộc sống từ thịnh đến suy của một gia đình quý tộc, tác giả đã làm hiển hiện sự băng hoại của xã hội phong kiến, của nhân tính phong kiến, Tào Tuyết Cần đã cho ta thấy một xã hội như thế là vô phương cứu chữa!
Hồng lâu mộng cũng đem đến cho người đọc những hiểu biết sâu xa về xã hội và về con người với một cách viết chân thực, giản dị mà bao gồm nhiều bút pháp lớn kim cổ. Nó là một cuốn bách khoa sinh động về xã hội Trung Quốc thời xưa.
Bạn đã đọc trọn vẹn tác phẩm nào trong tứ đại danh tác Trung Quốc nói trên chưa? Bạn cảm thấy tác phẩm nào thú vị nhất? Chia sẻ cùng chúng mình để việc học tiếng Trung Quốc thêm phần thú vị bạn nhé!
Tag:tứ đại danh tác, văn hóa, văn học