Truyền thuyết về Tết Trung Thu Trung Quốc
Bạn có biết Tết Trung Thu là ngày vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với người dân Trung Hoa. Theo Văn hóa Trung Quốc, vào ngày này các thành viên trong gia đình Trung Quốc thường quây quần bên bữa cơm, thưởng nguyệt, ăn bánh Trung thu. Đặc biệt là kể cho nhau nghe những truyền thuyết từ thời cha ông để lại.
Cùng Nguyên Khôi HSK tìm hiểu về các truyền thuyết liên quan đến ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc bạn nhé!
1. Truyền thuyết Hằng Nga và Hậu Nghệ
Theo truyền thuyết của người dân Trung Hoa, Hằng Nga gắn liền với câu chuyện về Hậu Nghệ. Có rất nhiều các dị bản khác nhau về truyền thuyết này, nhưng phổ biến nhất, được lưu truyền nhiều nhất như sau. Xưa kia Hằng Nga và Hậu Nghệ là những vị thần bất tử trên tiên giới.
Vào một ngày, mười người con trai của Ngọc Hoàng, biến thành mười mặt trời. Sức nóng của họ làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Cuộc sống con người càng ngày càng khốn khó. Ngọc Hoàng triệu Hậu Nghệ đến cứu giúp. Dựa vào tài bắn cung của mình, Hậu Nghệ đã bắn hạ chín mặt trời, để lại một mặt trời chiếu sáng cho muôn loài.
Việc để lại một mặt trời đồng nghĩa với chín mặt trời-chín người con của Ngọc Hoàng đã chết. Ngọc Hoàng vô cùng tức giận, ngay lập tức đày Hằng Nga và Hậu Nghệ xuống hạ giới.
Bị đày làm người thường, Hằng Nga rất đau khổ. Thương vợ Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm lại thuốc trường sinh để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Cuối cùng, Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc, nhưng dặn rằng mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất tử.
Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà cất vào trong hộp. Hậu Nghệ dặn Hằng Nga không được mở hộp rồi rời khỏi nhà. Nhưng Hằng Nga vì tò mò, nàng mở chiếc hộp ra. Đúng lúc đó Hậu Nghệ quay trở lại nhà. Sợ Hậu Nghệ nhìn thấy mình đang lục lọi chiếc hộp, Hằng Nga đã nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời vì thuốc quá mạnh. Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt Trăng.
Vì quá thương nhớ người vợ hiền, cứ vào dịp trăng tròn, Hậu Nghệ lại bày một mâm cỗ với những món vợ thích, mong cô có thể trông thấy từ cung trăng. Phong tục này được người dân noi theo và dần trở thành lễ Trung Thu. Với mong ước sum vầy và cầu may từ Hằng Nga.
2. Truyền thuyết Thỏ ngọc
Trong văn hóa Trung Quốc, Thỏ ngọc – 玉兔 là con vật luôn được gắn liền với Hằng Nga. Thỏ Ngọc thường dùng cái chày để giã thuốc trường sinh và trông coi cung trăng. Giống như truyền thuyết Hằng Nga, truyền thuyết về Thỏ Ngọc cũng có nhiều dị bản khác nhau.
Truyền thuyết được nhiều người nhắc đến nhất là câu truyện liên quan đến 3 vị thần tiên. Họ đã hóa thành những ông lão tội nghiệp đi lang thang để xin thức ăn của ba con vật là cáo, khỉ, thỏ. Hai con cáo và khỉ thì có thức ăn để cứu giúp, riêng mình thỏ là không có gì trong tay. Vì thế, thỏ đã tự nhảy vào đống lửa ngay bên cạnh mình. Nó tự nướng mình để làm thức ăn cho ba ông lão. Các vị thần này đã vô cùng cảm động trước tinh thần của thỏ nên đã đưa thỏ lên cung trăng, làm bạn với Hằng Nga và từ đó thỏ có tên là Thỏ Ngọc.
3. Truyền thuyết về bánh Trung thu
Món ăn này xuất hiện cách đây 3.000 năm trước. Tương truyền rằng, cuối thời Nguyên của Trung Quốc. Hai người đứng đầu phong trào khởi nghĩa nông dân là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn. Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật. Người ta đã làm những cái bánh hình tròn. Bên trong những cái bánh này đều nhét thêm một tờ giấy để ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng Tám âm lịch.
Sau đó, cuộc chiến thành công, Chu Nguyên Chương lập nên triều đại nhà Minh. Từ đó, ăn nguyệt bánh vào ngày trăng tròn đã trở thành một phong tục trong ngày lễ Trung thu. Ngày này, những thành viên trong gia đình cùng nhau ăn tối, tặng bánh như một lời cầu chúc sức khỏe, tròn đầy.
Nhân dịp tết Trung Thu Nguyên Khôi chúc các bạn luôn vui vẻ, sum họp cùng gia đình nhé.
Học tiếng Trung cùng Nguyên Khôi HSK
Tag:ngày lễ