8 Môn nghệ thuật truyền thống Trung Quốc
Trung Quốc được biết đến là một quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa gần 5000 năm. Chính vì thế đất nước Trung Hoa vô cùng thu hút chúng ta bởi những môn nghệ thuật xa xưa. Trong chuyên đề Văn hóa Trung Quốc này chúng ta cùng tìm hiểu xem 8 môn nghệ thuật được coi là tinh túy của đất nước “Thần Châu” nhé. Các bạn cùng đoán xem có những môn nghệ thuật truyền thống nào nhé.
1. Thêu thùa
Với bề dày ít nhất 2000 năm đến 3000 năm lịch sử. Thêu được coi là một môn nghệ thuật dân gian truyền thống lâu đời tại Trung Quốc. Chất liệu vải thêu truyền thống thường dùng lụa tơ tằm. Công nghệ thêu của đất nước triệu dân đạt đến trình độ cực kì tinh xảo và cao cấp trong triều đại Tần Hán. Đây chính là những mặt hàng trong lịch sử của “Con đường tơ lụa”.
Sự pha trộn văn hóa của nhiều khu vực rộng lớn đã đem đến cho nghề thêu Trung Quốc những nét riêng biệt. Có nhiều chủng loại thêu với nhiều hình thêu như: Cố thêu, Tô thêu, Thục thêu, Tương thêu, Việt thêu, Kinh thêu, Biện thêu, Lỗ thêu, Ôn thêu…
2. Cắt giấy
Cắt giấy là một nghệ thuật thủ công truyền thống dân gian của Trung Quốc. Đây là nghệ thuật dùng kéo hoặc dao khắc để cắt hoa văn trên giấy. Những sản phẩn này thường dùng để trang trí trong sinh hoạt hàng ngày và cả những ngày lễ tết.
Loại hình nghệ thuật này đã được lưu truyền ở quốc gia này trong hơn 1500 năm. Nghệ thuật này bắt đầu từ thời Tây Hán TCN. Có hình thức ban sơ là cắt hoa trên da động vật hoặc mảnh đồng, bạc, vàng dát mỏng. Nó được thay thế bằng giấy khi Trung Quốc phát minh và sản xuất ra giấy. Ngày nay nghệ thuật cắt giấy đã trở thành một báu vật trong kho tàng nghệ thuật độc đáo của đất nước Trung Hoa.
3. Cờ vây
Cờ vây với tên gọi đầu tiên là “Dịch” hay “Kỳ”. Đây là một trò chơi trí tuệ cổ đại, được phát minh bởi Nghiêu Đế, đến nay đã có hơn 4000 năm lịch sử. Nó đã trở thành một trong tứ nghệ của Trung Hoa bao gồm Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Đây cũng chính là trò chơi bảng lâu đời nhất còn được tiếp tục chơi cho đến ngày nay.
Mặc dù có từ xa xưa, nhưng luật chơi cờ lại không hề bị biến đổi theo thời gian như những trò chơi cổ khác. Bàn cờ được định hình với lưới kẻ dòng có kích cỡ 19×19. Có hệ thống 9 mức độ để bình phẩm, đánh giá trình độ người chơi. Trò chơi này đã từng là một môn học bắt buộc của giai cấp trí thức Trung Quốc. Tính đến năm 2018, trên toàn thế giới có khoảng 40 triệu người chơi cờ vây.
4. Gốm sứ
Không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc mà sự tinh xảo và hoàn mỹ của gốm sứ Trung Hoa được cả thể giới công nhận. Loại hình nghệ thuật này có thể coi là một biểu tượng văn minh lịch sử cổ đại. Là quốc bảo trong văn hóa nghệ thuật của dân tộc triệu dân.
Trung Quốc được gọi là “đất nước của sứ” sứ được coi là một đóng góp to lớn cho nền văn minh thế giới. Ngày nay công nghệ sản xuất sứ của Trung Quốc đã lan rộng trên thế giới. Nó đóng góp quan trọng trong việc trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các nước.
5. Trà
Trà là đồ uống phổ biến đứng thứ hai trên thế giới (sau nước uống). Trung Quốc là quốc gia đầu tiên và sớm nhất trên thế giới khám phá và sử dụng cây trà. Trồng trà, pha trà và nghệ thuật uống trà đều có nguồn gốc từ đất nước này.
Theo những tài liệu cổ của Trung Quốc, trà là do Thần Nông – một trong Tam Hoàng của văn hóa Trung Hoa tìm ra. Trong lúc tìm kiếm các loại cây cỏ trong tự nhiên có tác dụng chữa bệnh mà vô tình phát hiện ra lá trà. Ban đầu trà chỉ được sử dụng với mục đích chữa bệnh. Lúc đó chỉ có tầng lớp hoàng gia, quý tộc mới được dùng.
6. Kinh kịch
Kinh kịch được coi là một loại hình nghệ thuật tinh túy, là quốc bảo đối với Trung Quốc. Loại hình nghệ thuật này còn được gọi là Ca kịch Phương Đông.
Kinh kịch là một trong năm thể loại ca kịch đầu tiên của Trung Quốc. Nó bắt nguồn từ thể loại tuồng cổ địa phương, đặc biệt là “Huy Ban” tức “đoàn tuồng An Huy” lưu hành tại Miền Nam Trung Quốc hồi thế kỷ 18.
Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp giữa “Ca, nói, biểu hiện, đấu võ, vũ đạo”. Nhằm thuật lại các cốt truyện, khắc họa nhân vật. Sau khi hình thành kinh kịch đươc cùng đình triều đại nhà Thanh vô cùng yêu thích và phát triển rộng rãi. Kinh kịch là loại hình sân khấu đặc sắc của Trung Quốc mang đậm nét văn hóa thuần túy Á đông.
7. Võ thuật
Võ thuật Trung Quốc có lịch sử hình thành hơn 4000 năm. Được hình thành và phát triển không chỉ vì mục đích chiến đấu mà còn vì mục đích rèn luyện cơ thể, ý chí kiên định. Đây cũng chính là một di sản quý giá nổi bật của người dân Trung Quốc.
Võ thuật Trung Hoa (còn gọi là Kungfu) khởi nguồn từ văn hóa của xưa của Trung Quốc. Võ thuật bắt nguồn từ Đạo gia (trường phái Đạo). Bên cạnh việc phòng vệ, ngăn chặn bạo lực loại hình nghệ thuật này còn giúp nâng cao đạo đức, tăng cường sức khỏe và dưỡng sinh. Vì vậy, võ thuật đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa Thần truyền của dân tộc Trung Hoa.
8. Thư Pháp
Thư pháp là cách viết chữ của người Trung Hoa được nâng lên thành nghệ thuật và có sức ảnh hưởng sâu sắc đến các nước như Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc. Kể từ khi văn tự xuất hiện tại Trung Quốc cách đây 5000 năm. Hán tự đã có những thành tựu bất tử đối với sự phát triển của đất nước Trung Hoa.
Khởi nguồn từ chữ giáp cốt của triều nhà Thương, kim văn của thời nhà Chu, chữ triện của nhà Tần, chữ lệ của thời Hán. Từ sự phát minh ra chữ viết của tổ tiên dần dần phát triển thành thư pháp.
Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật có quy tắc nghiêm ngặt. Nó đòi hỏi người viết phải có sự dày công khổ luyện. Đường nét và bố cục và cái hồn của tác phẩm đều phải thật tròn trịa và hoàn hảo. Thư pháp Trung Quốc không đơn giản chỉ là chữ viết. Đó còn là cái hồn và tinh thần của cả một quốc gia. Nghệ thuật thư pháp Trung Hoa ngày nay đã được lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá văn hóa Trung Hoa.
Tag:nghệ thuật, truyền thống